Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bởi đây là loại thức ăn hoàn hảo để trẻ sơ sinh phát triển toàn diện. Tuy nhiên chất lượng sữa mẹ lại luôn biến động và một trong những nguyên nhân gây suy giảm chất lượng, thậm chí có thể làm mất sữa mẹ đó chính là Stress.
Mối liên quan giữa Stress và sự mất sữa
Theo Tiến sĩ Chantal Lau – đến từ Khoa Nhi Trường Y Khoa của bang Texas, Mỹ, “Stress nhất thời và stress lâu dài đều gây mất sữa do làm thay đổi hoạt động của các hormone vốn đảm nhận nhiệm vụ tạo và tiết sữa”.
Prolactin, Oxytocin, Glucocorticoid, Insulin là những hormone đảm nhiệm vai trò chính trong sự tạo và tiết sữa. Bên cạnh đó, Leptin và các Opiate đóng vai trò là chất cảm ứng, làm tăng mức độ tạo sữa. Stress có thể ngăn cản sự sản sinh sữa bằng cách trực tiếp ức chế hệ thần kinh trung ương sản sinh Prolactin và Oxytocin, hoặc gián tiếp thông qua hệ thần kinh thực vật để làm giảm tiết hai hormone này.
Ngay khi bị Stress ở giai đoạn đầu, lượng Prolactin đã giảm nhưng có thể chúng ta chưa nhận ra được sự mất sữa. Lúc này, mặc dù quá trình tạo sữa đã giảm nhưng lượng sữa dự trữ vẫn còn. Chúng ta chỉ thấy được hậu quả sau 8 đến 12 giờ. Còn nếu như bà mẹ mắc phải Stress thường xuyên thì cả sự tạo sữa và tiết sữa đều bị ức chế.
Mẹ sau sinh rất dễ bị Stress
Trên thực tế, không có mẹ nào là hoàn toàn không bị Stress cả, tuy nhiên không phải ai cũng giống nhau. Sự khác biệt về biểu hiện bên ngoài nằm ở mức độ tác động của Stress tới các mẹ và ngưỡng chịu đựng Stress của bản thân mỗi mẹ.
Các nguyên nhân gây ra Stress rất nhiều, tuy nhiên có thể kể đến là những nguyên nhân sau:
Rối loạn hormone
Giai đoạn sau sinh có đặc điểm thay đổi nhanh hormone. Trong 48 giờ đầu tiên sau sinh, nồng độ Estrogen và Progesterone giảm rõ rệt và sau đó là Cortisol sẽ giảm. Một hormone tuyến giáp là Thyroxine cũng giảm nhanh sau thời gian tăng cao trong thai kỳ, góp phần gây ra tình trạng căng thẳng và mệt mỏi.
Do tâm lý
Sau khi sinh, người phụ nữ cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về cơ thể lẫn tâm lý. Đó có thể là những mặc cảm về hình thể sau sinh, những lo lắng khi việc nuôi con không giống như trong sách vở hay là sự bức xúc trước sự thiếu cảm thông chia sẻ của người thân. Những ức chế hay suy nghĩ này tích lũy lâu ngày không giải tỏa được cũng sẽ gây ra tình trạng Stress.
Ngoài ra chính tâm lý lo sợ không có sữa cho con bú cũng làm các mẹ càng căng thẳng hơn. Từ đó hình thành một vòng lặp khiến cho việc mất sữa và Stress càng lúc càng nghiêm trọng.
Thay đổi thói quen sinh hoạt và ăn uống
Giấc ngủ của các mẹ trong những tháng đầu sau sinh bị chia nhỏ nhằm phục vụ nhu cầu ăn và vệ sinh của bé. Tuy có thể sắp xếp để ngủ được sau đó nhưng đa phần giấc ngủ thường chập chờn không sâu – khiến các mẹ luôn trong tình trạng uể oải mệt mỏi khi ngủ dậy.
Ngoài ra, chế độ ăn uống buộc phải thay đổi một cách miễn cưỡng để lấy sữa nuôi con cũng tạo những áp lực không nhỏ tới các mẹ, đôi khi không chấp nhận được do không hợp khẩu vị, về lâu về dài rất dễ làm các mẹ ức chế. Chưa kể đến các mẹ vì ăn cho con mình mà quên mất chỉnh bản thân mình cũng cần phải bồi bổ, dẫn tới thiếu chất, suy nhược cơ thể.
Cố gắng quá độ hoặc quá ít vận động
Các mẹ mới sinh mất rất nhiều sức nên cần nhiều thời gian để phục hồi. Bất cứ sự cố gắng quá độ trong giai đoạn này cũng cần phải tránh, tuy nhiên thực tế là không thể tránh khỏi hoàn toàn do những nguyên nhân khách quan.
Mặt khác, nếu quá ít vận động cũng khiến cho khí huyết không được lưu thông, là mầm mống của nhiều loại bệnh tật chứ không chỉ riêng Stress.
Những yếu tố này khi kết hợp với nhau góp phần tạo ra những tổn thương từ bên trong, khiến cho ngưỡng chịu đựng Stress của các mẹ bị suy giảm nghiêm trọng, khó chống chọi lại các tác nhân gây Stress.
Các bà mẹ cần phải làm gì?
Trước hết, các mẹ cần phải giữ cho mình một cách nhìn thật đúng đắng về việc nuôi con bằng sữa và những vấn đề có thể xảy ra. Hãy giữ cho mình một tinh thần thư thái, thoải mái, không để mình bị Stress để giữ cho các hormone tạo sữa hoạt động bình thường.
Các mẹ cũng nên ăn uống đầy đủ các dưỡng chất khác nhau và luyện tập thể dục nhẹ vào ban ngày. Ngay cả khi chỉ đi bộ trong 15 phút cũng có thể giúp bạn thư giãn và ngủ tốt hơn. Điều này giúp cho các mẹ giảm bớt suy nhược cơ thể, tăng ngưỡng chịu đựng Stress.
Ngoài ra, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, và học cách để cho mình có thể ngủ được nhiều hơn. Ngủ đủ giấc chính là biện pháp giảm Stress hữu hiệu nhất có thể thực hiện ngay tại nhà giúp bạn đảm bảo nguồn sữa mẹ dồi dào cho trẻ.
Tuy nhiên, nếu tình trạng mất sữa diễn ra lâu và trầm trọng, bạn cần phải gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và nhận được lời khuyên tốt nhất.
Nguồn:
- Chantal Lau, 2001. Effects of Stress on Lactation, Breastfeeding, Part 1: The evidence for breastfeeding, Pediatric Clinics of North America, Vol 48 (1):221-234.
- Ruta Nomacs và Lee Cohen, Postpartum psychiatric syndromes, Comprehensive textbook of psychiatry, Lippincott Williams and Wilkins, 2000, p 1276 – 1283.
- BS Nguyễn Nguyên Thục Minh, Bác sĩ điều trị – Khoa nội trú nữ – BVTT- Rối loạn tâm thần sau sinh. http://www.bvtt-tphcm.org.vn/n-vn-1260-0/loan-tam-than-thuc-the/roi-loan-tam-than-sau-sinh.html
- Cập nhật trang thông tin Y học thường thức của Bệnh viện Từ Dũ Tp. HCM http://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/lam-me-an-toan/cham-soc-tre-so-sinh/nuoi-con-bang-sua-me.