Nấu cơm quên ấn nút, đi chợ quên đồ ở chợ, không nhận tiền trả lại, cầm đồ trên tay nhưng cứ đi hỏi đồ đó ở đâu? Là những “tật” đãng trí, hay quên mà các mẹ sau sinh nào hầu như cũng mắc phải.

Khổ vì đãng trí, hay quên sau sinh
Tự nhận mình là “não cá” hay “đi đẻ để quên não ở bệnh viện ” vì tật đãng trí sau khi sinh của mình. Chị Thu ở Hà Đông tâm sự:
Nhiều lúc phát bực vì tính đãng trí hay quên của mình. Ngày trước đi học bạn bè luôn phục mình vì khả năng “nhớ dai hơn đỉa” thế nhưng kể từ ngày sinh bé Bi xong làm việc gì mình cũng quên, cứ như là để quên mất não ở đâu rồi ấy.
Điển hình là hôm trước hẹn con bạn cấp ba đi uống cà phê với nhau, ngồi tâm sự với nó được một lúc mình hỏi: “này ngày trước lão Quân chồng mày học cảnh sát mà sao giờ lại làm ngân hàng nhỉ?” cô bạn ngán ngẩm thở dài bảo: “lần này là lần thứ ba mày hỏi tao câu này rồi đó”.
Nhưng quên như thế là vẫn còn may vì chỉ cần cười xòa với bạn một cái là xong. Còn quên như này mới mệt, chuyện là hôm ấy đã muộn làm rồi thì chớ, ra đến cổng mình mới nhớ ra là quên không mang theo điện thoại, lại lật đật quay về lấy, lấy điện thoại xong tay cầm chìa khóa mà cứ đinh ninh không biết chìa khóa vứt đi đâu, tìm khắp nhà, cáu gắt nhặng xị lên đến lúc bực quá thấy cái gì vương vướng ở tay, bực mình ném phát thì hóa ra là cái chìa khóa.
Nhưng chuyện không dừng ở đó, tưởng như thế là yên thân rồi ai ngờ lúc phi đến chỗ làm gửi xe, theo phản xạ mình tháo hết áo chống nắng, găng tay, khẩu trang, kính và cả …chìa khóa xe cho vào trong cốp đóng lại. Báo hại ngày hôm đó tìmhết hơi mới có người đến phá khóa cho.
Chị Nguyệt ở Quảng Ninh thì chia sẻ trên trang cá nhân rằng: “ Nhiều lúc phát rồ lên vì tính hay quên của mình mất. Đặt nồi khoai lên bếp rồi bế con ra ngoài cổng chơi, ngửi thấy mùi khen khét còn cứ đinh ninh không biết nhà ai nấu gì quên tắt bếp, đến khi về, vào bếp nhà mình thì thấy nồi khoai đã cháy đen.”
Chị Trâm ở Chí Linh, Hải Dương chia sẻ chị thường xuyên quên tiền ở túi áo, có hôm lôi đống quần áo cũ ra lại tìm thấy tiền của mình ở trong đó, còn chuyện nấu nướng quên không tắt bếp ga, cắm cơm quyên không ấn nút, nấu nướng quên không cho muối, đi chợ quên không nhận tiền trả lại là: “chuyện bình thường ở huyện”.
Vì sao các mẹ lại mắc tật hay quên sau sinh?
Để lý giải hiện tượng tại sao các mẹ sau sinh thường mắc chứng hay quên, các nhà khoa học Úc đã tiến hành điều tra trên 1000 phụ nữ sau sinh trên toàn thế giới để so sánh trí nhớ của các mẹ sau sinh so với người bình thường và đưa ra kết luận rằng:
“Những phụ nữ sau sinh có trí nhớ kém hơn và mau quên hơn”. Giải thích nguyên nhân gây nên tình trạng này nhóm nghiên cứu cho rằng do tác động của hormone sản sinh trong thai kỳ tác động lên não. Ngoài ra còn có nguyên nhân chính liên quan đến stress và mất ngủ ảnh hưởng đến chứng đãng trí, hay quên ở phụ nữ.
Vì sau khi sinh người phụ nữ phải trải qua những biến động nhất định về tinh thần, thể chất, quan hệ vợ chồng và gia đình, đặc biệt là với người phụ nữ sinh con lần đầu.
Sự xáo trộn trong sinh hoạt như mất ngủ, lo lắng cho em bé, áp lực về tài chính, ưu phiền về ngoại hình, tâm trạng bất an, quan hệ vợ chồng sau sinh thường gặp trở ngại, việc đi làm lại gặp nhiều khó khăn, căng thẳng v.v…tiếp tục tác động gây nên tình trạng stress dẫn đến tình trạng hay quên, lơ đãng, mất tập trung ở các bà mẹ trẻ.
Cũng theo các chuyên gia tâm lý, tình trạng stress suốt thai kỳ và sau sinh sẽ ảnh hưởng đến việc phóng thích các nội tiết tố có thể gây tổn thương não, dẫn đến tình trạng giảm trí nhớ ở bà bầu và các bà mẹ.
Vài mẹo nhỏ để khắc phục chứng hay quên

Các chuyên gia khuyên rằng, khi đối diện với chứng hay quên, các mẹ đừng nên quá bối rối, hoang mang, vì sẽ tạo điều kiện cho stress gia tăng. Thay vào đó, hãy tận dụng thời gian rảnh để thực hiện các mẹo chống quên sau đây:
Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi ngay khi có thể: Giấc ngủ là yếu tố nòng cốt giúp cải thiện trí nhớ, vì vậy hãy tranh thủ ngủ sớm và đủ giấc để tránh mệt mỏi, loại bỏ lo âu.
Trang bị thật tốt kiến thức, kỹ năng làm mẹ: Chuẩn bị tâm lý làm mẹ thật tốt sẽ giúp bạn chú động tránh được những biến động tâm lý sau khi sinh, nhất là stress và trầm cảm.
Chia sẻ áp lực với người thân trong gia đình: Người thân trong gia đình sản phụ, nhất là người chồng nên hỗ trợ, quan tâm chăm sóc và chia sẻ công việc với người vợ, để giúp các mẹ có được sự thoải mái nhất định về tâm lý, nhờ đó cũng góp phần hạn chế tình trạng hay quên.
Sắp xếp công việc một cách khoa học: Khi bắt đầu lại với công việc, hãy sắp xếp mọi thứ thật hợp lý và lên kế hoạch cho công việc. Hãy ghi lại những việc cần làm, cần nhớ trong một cuốn sổ hoặc một tờ giấy và dán vào nơi dễ thấy nhất.
Tập luyện tăng cường sự tập trung: Khi bạn tập trung tốt và tập luyện để sự tập trung trở thành thói quen, trí nhớ sẽ trở lại với bạn. Phương pháp tập luyện gồm 4 bước: Quan sát – Liên kết – Học thầm – Nhớ lại.
Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục làm máu lưu thông lên não tốt hơn, làm cho giác quan tiếp nhận thông tin nhanh hơn và giúp não lưu giữ thông tin lâu hơn.